Chọn ngành gì?

Một trong những câu hỏi mà các em lớp 12 cũng như mình ngày trước đang đứng trước ngưỡng cửa chọn nghề là: Có nên chọn ngành XYZ không? Học ngành XYZ ra có việc làm không? Những câu hỏi như: Nghề nào đang hot cũng được đề cập không kém.

 ngôn ngữ anh, tiếng anh, quản trị kinh doanh, khách sạn, nhà hàng, lữ hành, du lịch, kỹ sư, tài chính ngân hàng, kế toán, dược, có nên chọn, ngành, nghề, việc làm, có việc làm không, không, hướng nghiệp

Trong phạm vi bài viết này, mình chỉ phân tích một vài ngành mà mình nghĩ là mình có biết về nó để nói cho các em nghe. Nếu có thời gian, trong một bài viết khác, mình sẽ viết về làm thế nào để chọn một nghề.

Các danh sách nghề sẽ được đề cập: Ngôn ngữ anh (anh văn, tiếng anh thương mại, dịch thuật), kỹ sư (cơ khí, điện tử, thực phẩm), Quản trị kinh doanh (quản trị kinh doanh quốc tế, xuất nhập khẩu, khách sạn – nhà hàng – du lịch), tài chính ngân hàng và kế toán, điều dưỡng…

Mình cũng xin nói trước luôn là: Bất cứ làm ngành gì, giỏi là không thiếu việc. Còn nếu xác định học bình thường để kiếm cơm thì hãy cân nhắc thêm ở những dòng dưới đây.

1/ Ngôn ngữ anh
Chọn ngành này mà học nghiêm túc thực sự thì khỏi lo không có cơm ăn hay phải chạy chỗ, lót tay nhé. Việt Nam đang phát triển, nhưng vẫn còn là nước nghèo, còn quá nhiều việc để chúng ta ngoại giao với nước ngoài. Tuy nhiên, tuy nhiên, đây là điểm yếu mà theo chủ quan của tôi nghĩ của ngành này là: Tiếng anh có tính ứng dụng cao nhưng lại khá kém về mặt phát triển và đi xa. Tiếng anh giống như một ngành để hỗ trợ, giao thoa, tiếp xúc giữa các bên với nhau, do đó, nó không phải là một nghề, mà chỉ là một “sự hỗ trợ”. Ở một mức độ có lương khá thì tiếng anh là ok. Nếu muốn đi xa hơn, hãy biến tiếng anh thành bàn đạp chứ đừng chỉ trông chờ ở nó.

2/ Kỹ sư
Ngành này không thừa, chưa bao giờ thừa, giới trẻ đang có xu hướng chọn khối kinh tế để làm (nhẹ nhàng, ngồi bàn giấy – phòng máy lạnh), vì thế sự cực nhọc của khối kỹ thuật rất cần người. Ngành này nói chung trong tương lai xa vẫn mãi rất quan trọng, và theo cảm nhận của mình là, chẳng ai lao đầu vào học ngành này nhiều như kinh tế đâu vì nó khá cực. Thế nên nếu bạn thích máy móc, điện đài thì cứ chọn thoải mái nhé.

3/ Quản trị kinh doanh
Ngành này chỉ cần người giỏi. Quản trị là đạo tạo ra những người lãnh đạo, trong khi nhà nhà quản trị, người người học quản trị thì thừa thầy thiếu thợ là trạng thái của Việt Nam hiện nay. Tôi khuyên đừng chọn ngành “Quản trị kinh doanh” vì nghe nó rất mơ hồ và rất chung chung, cái gì cũng biết một ít mà thực ra là không biết gì cả.

Nếu chọn ngành quản trị, hãy chọn chuyên ngành rạch ròi: Quản trị doanh nghiệp, quản trị khách sạn – du lịch, quản trị thương hiệu…

Nói thêm về quản trị khách sạn – nhà hàng, lữ hành (hay nói chung là du lịch) trong tương lai sẽ rất cần nhân lực. Theo định hướng chọn du lịch làm mũi nhọn kinh tế của nhà nước. Rất nhiều các dự án nước ngoài đầu tư đang được tiến hành tại Việt Nam. Nếu có hứng thú với việc được lao động ở những mảng thiên nhiên, resort, nghỉ dưỡng, nói chung là du lịch thì chọn ngành này là không có gì phải đắn đo cả!

4/ Tài chính ngân hàng – kế toán.
Cái này chắc không cần phải nói nhiều nữa. Quá thừa nhân lực dẫn đến hiện tượng “lót tay”, “chạy chỗ” là chẳng có gì ngạc nhiên. Thời buổi bây giờ, không hẳn có tiền là có được việc làm ngon đâu, mà còn phải có quyền nữa mới được. Khuyên không phải là con đại gia có chức quyền và mối quan hệ khủng thì nên từ bỏ chọn 2 ngành này đi là vừa.

5/ Dược.
Ngành này cũng đang trở nên thu hút nhiều bạn trẻ, rất nhiều bạn học tàn tàn chọn ngành này để học. Vì ngành này thường có ở bậc trung cấp và cao đẳng. Nhân lực ngành này cũng chưa đến nỗi báo động. Tuy nhiên, đây là một ngành liên quan đến phục vụ và chăm sóc sức khỏe con người, nếu thấy bản thân mình là một người không có tâm huyết tận tình thì xin hãy chọn cho mình một ngành khác phù hợp hơn.

Lời nói thêm (không liên quan lắm tới việc chọn nghề):
Tại sao mình không đưa ra các dẫn chứng và các con số thuyết phục? Vì đây là những lời trao đổi của tất cả những người đi học đại học với nhau, và tất cả những cảm nhận của tôi về môi trường đại học cũng như chọn nghề ngày nay. Việc tìm số liệu đầy trên mạng – hãy tự tìm kiếm, tuy nhiên, cảm nhận cá nhân thì rất ít trên các mặt báo và đó là lý do tôi viết bài này.

Đây là một website cá nhân, vì thế cũng là những cảm nhận cá nhân mà tôi muốn chia sẻ cho anh em thôi, không có những lời lẽ báo chí hay vụ lợi gì ở đây cả. Chỉ là vì mục đích hỗ trợ việc chọn ngành cho các em thôi.

Bài này được viết vào cuối năm 2013, hãy xem kỹ mốc thời gian bài viết và thực tế xã hội khi đọc. Tuy vậy, trong một thời gian ngắn 1 2 năm, mọi thứ sẽ ít có biến đổi nhiều, đừng lo.

Dù bạn chọn ngành gì, có được đi học chính quy ở các trường đại học cao đẳng hay không thì việc quan trọng nhất là sự nỗ lực, chăm chỉ và tận tâm với nghề. Thời buổi này, người tận tâm với công việc thì rất ít, thế nên nếu bạn trở thành một người làm việc có “tâm” thì nơi đâu cũng đón nhận bạn cả. Tin tôi đi, học ở đâu, học cái gì, làm cái gì (kể cả yêu ai cũng được), quan trọng nhất là tận tâm.

Xin chào và chúc bạn học tốt!


-Lục Phong-
27/12/2013

1 Nhận xét

Để lại vài dòng comment góp vui nhé...

Cảm ơn các bạn !

Đăng nhận xét
Mới hơn Cũ hơn