Đam mê theo quan điểm Krishnamurti

*Với những ai nghĩ rằng, mình đã trang bị một cách đầy đủ và hiểu đúng đắn về vấn đề “đam mê”, thì chắc là không cần đọc bài này nữa, bởi vì tôi cũng không muốn dẫn các bạn đi hết lý thuyết này đến lý thuyết nọ để làm gì cho rối chuyện. Sự xung đột giữa các quan điểm là không cần thiết khi nó giúp người ta sống tốt hơn.*

Giờ chúng ta vào bài.

Lời dẫn:

Trong thời buổi hiện đại này, đam mê là một cụm từ được nhắc đi nhắc lại hằng ngày rất nhiều lần. Có lẽ nó chiếm một tần suất quá lớn so với cái thời tôi còn bé tí. Sách kinh doanh, sánh thành công, sách danh nhân, họ nói rất nhiều về đam mê. Do đó, để theo phong trào, trong bài này tôi sẽ tiếp tục nói thêm một ít về nó… Và có lẽ, trong những trích dẫn từ lời Krishnamurti, tôi nghĩ ông cũng có hàm ý hợp với bài viết của tôi nên tôi đưa vào.

Nào, trước khi giải thích về đam mê thì ta phải tìm cho ra cái ý nghĩa của nó là gì cho con người đã. Đam mê à? Theo tôi thì, cuộc sống loài người luôn đi tìm những niềm hứng khởi, bằng mọi cách. Đam mê là một cách mà người ta nghĩ là sẽ dẫn người ta đi xa hơn tới những miền hạnh phúc, sẽ làm người ta sống vui vẻ từng giây từng phút khi chìm đắm trong nó. Đam mê, được ví như “công việc sinh ra để dành cho bản thân ta” vậy. Đúng chứ?

Hãy làm điều bạn muốn – mọi người nói như thế. Để làm gì? Để chúng ta được tự do và cảm thấy hạnh phúc với 1 cuộc đời không lãng phí, phải không?

Nhưng, nhưng… Chúng ta cần đào sâu chỗ này. Vì những lý thuyết về đam mê đều đúng, nhưng chưa sâu, chúng ta cần phải tự mình đào sâu hơn để tránh hiểu nó một cách hời hợt.

 đam mê, chán, krishnamurti, bàn về cách kiếm sống đúng đắn, tìm hiểu về đam mê, mặt khác của đam mê, tình yêu

Phần 1: “Nghĩ về đam mê?”

Có phải chúng ta đang luẩn quẩn “tìm kiếm niềm vui, sự hứng khởi” không? Chúng ta có thể bỏ đi hết những “sự tìm kiếm”, nhưng chúng ta đang không tự ý thức được rằng, chúng ta đang chuyển gánh nặng đó lên đầu của đam mê, chúng ta đang nghĩ rằng đam mê là gì đó rất tuyệt vời, cứu sống cuộc đời mình, vực mình dậy sống một cuộc sống ý nghĩa mỗi ngày, đưa mình đến thành công, vân vân… Đúng không? 

Có một số người bạn của tôi đam mê kinh doanh. Và có gì đó chưa sáng tỏ làm cho họ hiểu hời hợt, với họ thì kinh doanh là kiếm nhiều tiền, đạt được những danh vọng, đứng trên hang vạn người và sở hữu công ty triệu đô, trong khi rất hiếm hoi một người nói với tôi rằng họ đơn giản là thích làm điều đó không toan tính và muốn tạo ra giá trị cho xã hội. Và niềm hạnh phúc từ niềm đam mê thường là vì đạt được cái gì đó thuộc tham vọng hay mục tiêu của mình, do đó khi không hoặc chưa đạt được, chúng ta không có cảm giác khoái! Có một ranh giới khá nhỏ giữa “tham vọng” và “đam mê”, ngẫm một chút chỗ này nhé.

Bạn có từng nghe câu: 

“Những thứ cao siêu chưa chắc là những thứ vĩ đại.
Nhưng những thứ vĩ đại thì lại giản dị đến vô cùng”
 ? 

Khi bạn có thể “giản dị” như thế, bạn có cơ hội để tìm ra đam mê của mình mà không bị chi phối bởi tiếng ồn, sự tôn vinh hay sự tâng bốc.

“Liệu không thể hạnh phúc và làm việc, khác hơn là tìm kiếm hạnh phúc trong công việc? Khi chúng ta sử dụng công việc hay con người như một phương tiện để đạt được một kết thúc, vậy thì chắc chắn chúng ta không có liên hệ, không có hiệp thông hoặc cùng công việc hoặc cùng con người; và thế là chúng ta không thể thương yêu.” – Krishnamurti

Không phải ai cũng hiểu được sự chân thật cốt tủy của “niềm đam mê”, và khái niệm “yêu thương niềm đam mê” là điều gì đó lại trở thành quá xa xỉ, lạ đời. Nói đúng ra, và rõ ràng hơn, thì chúng ta đang “nghĩ về đam mê”, chúng ta đứng BÊN TRONG đam mê, chứ không phải chúng ta LÀ. Tôi tự hỏi làm sao có thể nghĩ về tình yêu thương? Khi bạn thương ai, như cha mẹ mình chẳng hạn, trái tim bạn nhận thấy rung động và điều khiển bộ não thể hiện những hành động yêu thương. Bộ não không nghĩ ra được chuyện đó. Vậy thì đam mê cũng không phải là thứ có thể “nghĩ về”. Nếu bạn làm, chỉ vì thấy bản thân muốn làm, trung thực, không toán tính, dự kiến, không vinh hạnh, chẳng buồn rầu, đó là đam mê. Nếu bạn có thể yêu thương đam mê không điều kiện như thế, bạn đang đi đúng hướng… Với tôi thì viết là công việc mà tôi chả biết viết để làm gì? Có đôi khi, bất giác ai đó hỏi tôi, viết để làm gì vậy? Tôi cũng có thể trả lời được, nhưng thực ra, động cơ để tôi viết “là không có gì”, vì cảm thấy “cần phải viết”, thấy thoải mái khi làm vậy, nên tôi làm.

“Nó có ý nghĩa khi tìm được công việc gì bạn thương yêu, đúng chứ? Khi bạn thương yêu công việc gì bạn đang làm, bạn không tham vọng, bạn không tham lam, bạn không đang tìm kiếm sự nổi tiếng; bởi vì chính tình yêu đó về công việc gì bạn đang làm, hoàn toàn phong phú trong chính nó. Trong tình yêu đó không có thất vọng, bởi vì bạn không còn đang tìm kiếm sự thành tựu.” – Krishnamurti.

Phần 2: “Nô lệ cho đam mê?”

Sẽ có những phản kháng và tranh cãi khi tôi viết ra cụm từ kỳ quặc này, nếu bạn là một người có niềm đam mê chảy bỏng và hừng hực sống với nó mỗi ngày, cảm thấy vui vẻ thì không nên đọc tiếp nữa. Còn tôi, tôi nói tiếp…

Chúng ta hãy nhìn vào Steve Jobs hay Lý Tiểu Long nhé, họ sống hết mình vì đam mê và dẫn đến làm việc quá sức và rồi rời bỏ cuộc đời quá sớm, họ làm việc từ sáng sớm đến tối khuya, họ cắt giảm thời gian tối đa từ việc ngủ, việc cảm nhận cuộc sống, việc quan tâm những người xung quanh…và có điều gì đó bắt đầu bất ổn, bạn có thấy thế không? Rõ ràng là, khi đam mê trở thành một điều gì đó phải “quần quật” làm suốt ngày, nó trở thành một “guồng máy” mà chúng ta không thoát ra. Nếu một người chỉ biết sống gần như toàn thời gian của mình với đam mê, tôi gọi đó là “nô lệ”. Tôi không phủ nhận sự thành công của họ, nhưng rõ ràng là, họ đã không thể cắt bớt thời gian cho nó. Nếu đam mê làm cho một người luôn chìm trong những bận rộn, dính mắc, suy nghĩ, luôn phải bận tâm, và anh ta rất có thể sẽ mắc bệnh hay bị “phân tâm” khỏi cuộc sống. Anh ta tập trung đến độ mà bị ly tâm khỏi cuộc sống, và nếu như đam mê làm cho người ta không còn có thể “tự tỉnh thức” và chủ động điều khiển chính mình thì đó là một tác hại. Hơi mơ hồ, nhưng nếu bạn để đam mê điều khiển mình, đó không phải là tình yêu thương bạn dành cho đam mê, và đó cũng không phải là đam mê, đó có lẽ, đúng ra là sự “mê hoặc”…

“Một người ưa thích công việc của anh ấy làm gì? Anh ấy suy nghĩ về nó từ sáng đến khuya, anh ấy liên tục bị bận tâm bởi nó. Anh ấy quá bị đồng hóa cùng công việc của anh ấy đến độ anh ấy không thể quan sát nó – chính anh ấy là hành động, công việc. Và đối với một người như thế, điều gì xảy ra? Anh ấy sống trong một cái cũi, anh ấy sống cô lập cùng công việc của anh ấy. Trong sự cô lập đó, anh ấy có lẽ rất khôn ngoan, rất sáng chế, rất tinh xảo; nhưng anh ấy vẫn còn bị cô lập. Và anh ấy bị làm cho nhàm chán bởi vì anh ấy đang chống đối tất cả công việc khác, tất cả những tiếp cận khác.” – Krishnamurti.

Bạn có hiểu không? Đam mê? Bạn sẽ làm nó trong thích thú, không phải trong sự phân tâm khỏi cuộc sống. Và sự tỉnh thức để luôn cảm nhận được những vẻ đẹp tinh hoa khác trong đời sống là quan trọng…

Thương yêu niềm đam mê, đam mê là tình yêu…

Và…

“Tình yêu không phải là thứ mà bạn ở trong. Nó là thứ mà bạn LÀ” – David Icke.

-Lục Phong-
30/12/2013


3 Nhận xét

Để lại vài dòng comment góp vui nhé...

Cảm ơn các bạn !

  1. tại sao lại là Jiddu mà không phải là 1 người khác

    Trả lờiXóa
  2. nhiều người đọc thuộc lòng như 1 cái máy , lý thuyết thì thao thao bất tuyệt như cha sứ giảng đạo , nhưng với bản thân mình thì như 1 thằng mù

    Trả lờiXóa
  3. Sao có thể xác định được một người nào đó kiến tánh, bạn Sinh nguyễn?

    Trả lờiXóa
Đăng nhận xét
Mới hơn Cũ hơn