Chế độ mặc định – tôi không thích văn học

Có lẽ tôi sẽ không viết cái bài này, nếu...

Ngày bé, văn học với tôi là cái gì đó rất kinh khủng khiếp!!! Vốn là một thằng ưa nghĩ gì nói đấy, không bao giờ nói dóc, nên viết cái chi mô cũng “thật” đến “phát tởm”! Lúc đó, với tôi, viết văn mà nói dóc thì thật là chán và đáng chê, giống như đưa người ta vào những ảo tưởng và học cách nói dối ngay còn trong trứng nước vậy. Nên tôi không coi trọng mấy đứa có điểm cao môn văn tí tẹo nào...

 

Đi học mười mấy năm trời, chưa bao giờ trung bình môn văn trên 6,5, híc...
Và thế là, tôi mặc định, tôi không có năng khiếu viết văn, không có khả năng miêu tả, vốn từ ít, và diễn đạt câu very lủng cũng...
Cái niềm tin này, cũng đúng mà, tụi nó toàn học sinh giỏi toàn phần, văn trên 8,0?? Bài nào cũng viết ít nhất 2 tờ giấy đôi. Ngất luôn !!! Không, ngất thôi chưa đủ, phải nói là ngất ngây con gà tây toàn tập !!!

Tuổi thơ của tôi là thế, lẹt đẹt với những con điểm môn văn và vật vờ với những lần trả bài ấp úng. TẠI SAO? Lý do là tại sao chứ? Tôi vẫn không thể chấp nhận cái điều kì cục này. Tôi gồng mình, xù tóc, vắt cạn não để viết cho nó văn vẻ, mà cũng chỉ 6,5. Trong khi tụi kia bịa như gió, xé giấy đôi như điên, viết như chưa bao giờ được viết. Haiz, bất mãn...Đời quá bất công với tôi...

Chúng ta, mỗi người có những mặc định riêng như thế đúng không? Môn Anh Văn khó thuộc quá, ối, môn toán hại não, sử dài kinh, sinh rắc rối thật, vi tính phức tạp, bờ la...bờ la...bờ la...Ôi, sao tôi hay lạc đề thế nhỉ, quay lại nào!

Cho đến một hôm, anh tôi mang về một quyển sách “Họ đã trở thành tỷ phú như thế nào”? Ố ồ, quá tuyệt! Với cái ao ước trở nên giàu có bồng bột của tuổi trẻ, tôi vớ ngay cuốn sách như vớ được vàng và sắp thành tỷ phú rồi đến nơi...Một thằng ham chơi như tôi, vậy mà đến lúc cũng phải khuất phục trước một quyển sách. Giờ nghĩ lại tôi cũng không hiểu sao tôi có thể đọc nó ngấu nghiến, nhai từng con chữ như sắp xay nhuyễn nó ra bằng bộ não rồi vậy. Vừa đi học về đến nhà, ném cặp vào một góc, khỏi thay đồ chi cho tốn thời gian, tối hôm qua đọc thích quá, tôi tiếp tục ôm nó đến buổi cơm trưa, xong lại ôm, ôm, ngủ, ôm, đọc đọc miết miết. Hà hà hà, không ngờ tôi nuốt được cuốn sách đầu tiên ngoài chương trình dạy của nhà trường. Tôi quá giỏi! Lúc đó cứ nghĩ như thế, mặc dù trong lúc đọc thì chỉ là đọc vì thích thôi, chứ không vì chảnh chọe như thế đâu! À, lúc đó là năm lớp 7. Tuyệt!

Cuốn sách đó, nó dạy tôi một đống thứ chứ không phải một. Nó dạy tôi, người thành công và tỷ phú chỉ có 1 điểm chung căn bản: “trâu bò”! Bọn chúng nó lỳ đừng hỏi...Điều thứ hai, nó dạy tôi lối hành văn một cách gián tiếp, khá nhẹ nhàng. Điều thứ ba, nó làm đổi thay tư duy của tôi, tỷ phú thường không giống ai, và thường rất tin tưởng vào bản thân mình. Chỉ vậy thôi, nhưng đáng bỏ công ra mà đọc.

Sau cuốn đó, bạn nghĩ tôi sẽ ra sao? Còn sao trăng gì nữa? Quăng nó vào 1 xó rồi chạy đi bấm điện tử mỗi ngày chứ sao sao cái chi ri. Tôi tiếp tục rơi vào một trạng thái, một “mặc định” khác: “tôi không thích đọc sách”. Tôi “nghĩ” mình không thích đọc sách chút nào...Vấn đề to đấy, không đùa đâu!!

Sang năm lớp 8, chỉ vì chán, tôi tò mò, lục lọi coi trong nhà có gì hay không? Đúng là số trời, tôi ném mấy cuốn tạp chí và báo vào một đống sau khi đọc được vài dòng không mê hoặc gì lắm. Lò mò, A! Đây rồi, cầy tơ số 1! (đùa đó, tôi không thích ăn thịt cầy đâu nhé, nó chỉ là cái biển hiệu gần nhà làm tôi nhớ mãi thôi!). Đó là quyển sách gì nhỉ? À, “Không nước không trăng” – Osho. Plè, gớm phết, nghe ảo ảo, cao siêu, tóm ngay. Lăn ra đọc, cũng mê, vì trong đó người ta lồng truyện vào song song với triết lý, chủ yếu là thèm đọc truyện, hê! Ôi giời, một thằng nhóc lớp 8 bày đặt đọc triết lý tùm lum tùm la, nhắm hiểu được 30% không hở nhóc (mọi người nhìn tôi nghi hoặc). Ờ, có hiểu gì đâu, ai kêu hiểu hồi nào đâu, haha...Cũng chả nhớ nó là cuốn thứ mấy, thôi cứ cho là cuốn thứ 2 đi.

Sau vụ Osho, là cái vụ hay tò mò nghe mấy ông sư trong chùa giảng đạo lý. Uhm, nghe cũng hay, ngon, tưởng nghe xong làm con ngoan được, nên nghe miết miết mà chả thấy cái khỉ gió gì xảy ra cả, vẫn du côn nhất xóm, bấm điện tử nhiều nhất xóm. Chà! Cũng cái thời điểm đó, ông anh mang sách Krishnamurti về, lại lò mò đọc, mà nói thiệt là...Đách hiểu cái quái gì hết!! Osho, Krish là ai thì ai không biết tự tìm hiểu nhé, tớ không khoe mẻ gì đâu, chỉ là bồi hồi nhớ lại và kể về quá khứ cũng tạm gọi là dữ dội – theo cách của tớ, vậy được chứ ha!

Lên lớp 11, thích con nhỏ kia, rồi sau đó là gì ai cũng biết, tôi trở thành thằng ít nói số 1 của lớp, một ngày đi học nói không quá mười câu (tôi nghĩ, lúc đó chắc có nhiều đứa nheo mắt bắn những tia sét vô hình sau lưng tôi với suy nghĩ: cái thằng chảnh chọe, khó chịu), hê! Thời gian đó, tự nhiên thấy nhiều điều muốn chia sẻ, mà không ai nghe, tức quá hành hạ cuốn tập, viết tè le tè le tè lè hết trơn, dở ẹc, gớm! Nhật ký gì mà mua cuốn tập 3000 VNĐ viết là hiểu rồi!!

Tôi vẫn đọc sách của Krish từ cái năm lớp 8 tới bây giờ. Ngay cả thời lớp 12, sau 4 năm ngâm cứu mà tôi vẫn chả hiểu cái cóc khô gì ráo, thật là khó hiểu!
Và, tôi vẫn buồn...!

Năm lớp 12, học thầy Bùi Công Thuấn, cũng là nhà văn có thể gọi là có tiếng hồi xưa đấy! Thầy mà hứng là ngồi giảng đạo lý 2 tiết không dạy chữ nào, cái thầy dạy, nó tuyệt gấp mấy triệu lần phân tích tác phẩm nữa! Đứa nào mà chả thích (có khi tụi nó không thích đâu, nhưng tụi nó thích hơn là học bài nhiều đó), tuy nhiên được bao nhiêu đứa nhập tâm lại là chuyện khác...
Thời gian này, tôi đọc hơi bị nhiều sách à nha, nhất là sách thành công, đam mê, làm giàu, nuốt cũng tàm tạm. Thế là cái “mặc định” không thích đọc sách của tôi dần dần cũng không còn rõ rệt nữa. Thầy có một chút động viên và vài lời khen với một ít sự chú ý dành cho tôi.

Đúng ra, cái quan trọng nhất và là đầu tiên để tôi trở nên thích văn học hơn là ở cách tôi quan sát mọi người nói chuyện chứ không nằm nhiều ở phần mục lãng mạn. Mọi người thường nói chuyện với nhau rất đơn điệu, tẻ nhạt, dùng từ không chính xác, sắp xếp câu không hợp lý dễ gây hiểu lầm...
Từ cái giây phút cảm nhận được điều đó, tôi trở nên quan tâm hơn về ngôn ngữ (cũng như ngôn ngữ cơ thể nữa), để ý hơn cách dùng từ của mình, tránh gây hiểu lầm, và thường thêm thoắt vài tiểu tiết thừa để mọi người đỡ cảm thấy chán hơn. Thực ra thì, sau này lớn lên, tôi mới biết, mình có một chút khả năng về ngôn ngữ. Nhưng ngày trước tôi lại mặc định rằng mình không thích văn, không ưa đọc sách, nào có phải vậy.

Dù là kỹ sư, giáo viên, ông chạy xe ôm, ông bơm lốp xe lu hay bất kì ai, thì cũng nên có những kỹ năng ngôn ngữ cuốn hút của riêng mình, chẳng phải ngôn ngữ là thứ đầu tiên ta học trong đời sao. Với tôi, khi có văn học, xe lu cũng thành con bò, lưới B40 cũng thành vườn hoa, máy bay cũng thành đại bàng, bầu trời cũng thành dòng nước và bộ não cũng có thể trở thành thiên đường bất cứ lúc nào...

Bất cứ ai trong chúng ta cũng có những mặc định riêng tương tự như tôi, và điều đó lại càng trở nên to tát hơn khi chúng ta tiếp nhận những lời phán xét của người khác một cách cam chịu. Những “mặc định” đó được gọi là “con bò”, trong sách “ngày xưa có một con bò” (con bò không có nghĩa là ngu như bò đâu nhé, đó là một chuyện ngụ ngôn). Những con bò - chúng là những lời biện bạch, là những quan niệm sai lầm, là những ảo tưởng, là những niềm tin sai lệch níu chúng ta ở lại phía sau... nếu có điều kiện thì các bạn nên đọc cuốn này, ngắn thôi!

Nào!

“Hãy dừng quan tâm đến những phán xét của người khác, nghe trái tim mình nhiều hơn và đừng giới hạn bản thân ở một chỉ mục nào cả. Bạn sẽ không thể tưởng tượng nỗi tiềm năng của một con người đâu, không tin thử thì biết! Cứ thử nhiều, cứ trải nghiệm nhiều, cứ cày nhiều với bất cứ cái gì mang lại hứng thú cho bạn, dù chỉ một chút hứng thú cũng được, rồi khi duyên đến bạn sẽ khám phá ra nhiều cái vui và thú vị từ chúng lắm!”

Đó là những gì mà bài viết lan man của tôi muốn gửi gấm đến các bạn đã bỏ công đọc đến dòng chữ này. Dù tôi chưa là gì, cũng chưa là ai, nhưng tôi vẫn có thể làm cái thứ mà ngày xưa tôi nghĩ là chán ngấy đến tận xương cổ tủy. Tôi thích điều mình đang làm!

Ngày càng có nhiều người tin vào sức mạnh bản thân và trở nên tự do hơn, còn bạn thì sao?


-Kẻ vô học-

--------------------------
*****

2 Nhận xét

Để lại vài dòng comment góp vui nhé...

Cảm ơn các bạn !

  1. Nặc danh11:12 6/10/13

    rất thích văn phong của anh :D thích nhất trong các tác giả của THĐP luôn :D khi nào anh viết sách nhất định em sẽ mua 1 cuốn

    Trả lờiXóa
Đăng nhận xét
Mới hơn Cũ hơn